Tùy chỉnh và tái định vị sản phẩm tín dụng cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ là một hợp phần quan trọng trong khuôn khổ Sáng kiến Thắp lửa: Giải phóng sức mạnh của doanh nhân nữ (Ignite). Nhằm mang lại sản phẩm tín dụng đáp ứng đúng nhu cầu của các nữ chủ doanh nghiệp, CARE và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) – một trong các đối tác của Ignite đã đồng tổ chức các buổi phỏng vấn chuyên sâu (Focused Group Discussion) với sự tham gia của hơn 10 nữ chủ doanh nghiệp tại Hà Nội và Thành phố HCM trong tháng 7 vừa qua.

Nhiều câu chuyện đã được kể trong các buổi phỏng vấn chuyên sâu. Và một vài trong số đó sẽ được tái hiện lại qua bài chia sẻ dưới đây của Đặng Thị Châu Giang, đại diện VPBank tham gia Sáng kiến.


COVID-19 tái bùng phát – tiếng thở dài của Doanh nghiệp nhỏ

Phỏng vấn hơn một chục doanh nghiệp tại Hà Nội và Hồ Chí Minh, chúng tôi thấy có một điểm giống nhau của hầu hết trong số họ là doanh số sụt giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp bởi COVID-19. Doanh nghiệp ít là 30%, còn đa phần là 70-90%…

Chưa kịp mừng

Sáng 24 tháng 7, trong văn phòng nhỏ tại Hà Nội, chúng tôi có dịp trò chuyện với chị Hương Mai – GĐ công ty Sài gòn today travel. Khuôn mặt xinh xắn, trang điểm nhẹ nhàng, câu chuyện của chúng tôi có ý định là một chủ điểm khác nhưng không ngờ lại xoay sang chuyện về COVID-19 đã tàn phá doanh nghiệp của chị như thế nào. Sau 19 năm làm nhân viên Torseco, chị Mai quyết định ra riêng năm 2017 với việc mua lại 1 công ty du lịch trong thành phố Hồ Chí Minh. Kinh nghiệm nghề nghiệp dày dặn, mối khách hàng lớn, quan hệ rộng, chỉ sau 1 năm, doanh thu công ty tăng lên 30 tỷ trong đó doanh thu từ kênh nước ngoài chiếm đến 2/3. Cũng trong năm đó, chị cùng chồng thuê địa điểm làm 2 nhà hàng và hợp doanh 1 khách sạn nhỏ trên Sapa, tạo nên mắt xích kinh doanh chặt chẽ. Nhờ vậy, doanh thu năm 2019 của vợ chồng chị lên đến 120 tỷ đồng.

COVID-19 đến như một cơn gió mang đầy bụi độc. 29 Tết, tin về một loại virus gì đó tại Vũ Hán đã khiến đoàn khách Trung Quốc hủy toàn bộ tour và 300 phòng (5 đêm), mở màn cho một năm đầy gập ghềnh. Sau Tết, COVID-19 chính thức nhập khẩu vào Việt Nam và từ đó cho đến hết tháng 5, không có một tour nào được thực hiện. Phải chờ đến tháng 6, với bao nỗ lực kích cầu từ chính phủ, các thành phố và hãng hàng không, chị mới bắt đầu có tour nội địa, đồng nghĩa với việc dòng tiền bắt đầu được lưu thông dù giá trị rất khiêm tốn.

Hai nhà hàng của vợ chồng chị buộc phải đóng cửa cùng thời điểm Hà Nội áp dụng giãn cách vì không chịu nổi chi phí. Mỗi nhà hàng cõng 3 tỷ tiền thuê nhà, lương nhân viên và chi phí vận hành mỗi tháng cộng với tiền đầu tư rất lớn khiến chị đã nằm nhà gần một tháng trong tình trạng căng thẳng đến mức suy nhược thần kinh. Khách sạn hợp doanh trên Sapa cũng đồng thời phải đóng cửa cho đến tháng 6 mới túc tắc có các khách lẻ và phải tối ưu bằng cách cung cấp dịch vụ ăn uống ở khu đất rộng trong khuôn viên.

Tháng 6 bình yên trôi qua mang theo hy vọng về sự phục hồi. Ngồi nhẩm tính, chị Mai dự kiến với nguồn khách nội địa đang hăng hái muốn lên đường sau thời gian dài lo ngại sẽ mang lại gần 10 tỷ doanh thu cho công ty, bằng chưa tới 1/10 của năm trước. Cả trăm nhân viên bị buộc phải cho nghỉ việc. Chị gọi đó là gói “COMBO 3 trong 1”.

Đó là chuyện chị kể tôi nghe ngày 24/7. Bằng giờ đó ngày hôm sau, cả nước đã ngập tràn nỗi lo lắng mang tên làn sóng COVID-19 lần thứ 2. Hẳn giờ này, gương mặt xinh đẹp ấy lại đang đăm chiêu tính toán xem khoản doanh thu dự kiến cả năm sẽ còn lại bao nhiêu khi khách bắt đầu hủy tour…

Tôi vào công tác tại thành phố Hồ Chí Minh 3 ngày, được đặt khách sạn ở ngay Trung tâm quận 1. Mới có nửa năm mà con phố Thủ Khoa Huân đông đúc, sầm uất ngày nào giờ như cô gái lỡ thì. Phố dài chỉ 300 mét, đi thẳng sang bên hông chợ Bến Thành có 11 khách sạn thì 3 đã đóng cửa, trên cửa kinh vẫn còn dán thông báo nghỉ theo chỉ thị của Chính phủ từ đợt tháng tư. Anh bảo vệ khách sạn tôi ở gọi tên, hỏi thăm tôi ngay sau lần check in. Trong bộ vest đen lịch thiệp, anh dường như cô đơn hơn khi một mình kiêm các vai bê vác, bảo vệ, quản lý. Nụ cười nhẹ trên gương mặt vẫn không dấu được tiếng thở dài khe khẽ: “Khách sạn mấy chục phòng mà hôm nay được 15 khách, mai còn 4, mốt chắc không còn ai… mốt chắc không còn ai…

Còn nước còn tát

Phỏng vấn hơn một chục doanh nghiệp tại Hà Nội và Hồ Chí Minh, có một điểm giống nhau của hầu hết trong số họ đó là doanh số sụt giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp bởi COVID-19. Doanh nghiệp ít là 30% (hoạt động trong mảng phân phối thực phẩm), còn đa phần là 70-90%. Hầu hết các doanh nghiệp đều tìm cách chuyển đổi để cứu mình.

Chị Nhi là chủ công ty Gia Hòa Phát –phân phối độc quyền các sản phẩm trà Dilmah từ Srilanka. Khi kênh khách sạn, nhà hàng sụt giảm do không có khách, công ty chị chuyển hướng sang phân phối qua kênh chợ và bổ sung các ngành hàng nhu yếu phẩm như gia vị, nước tương… để gỡ gạc phần nào doanh số và đảm bảo được mức lương cơ bản cho nhân viên.

Quỳnh Anh, cô gái trẻ chủ của Ifood –chuyên cung ứng thực phẩm nhập khẩu (cá hồi, thịt bò, heo…) cho các nhà hàng, khách sạn tại Hà Nội đã nhanh chóng mở kênh bán online và tận dụng các kênh giao hàng tiện lợi để bán lẻ và nhờ đó hạn chế bớt số doanh thu bị sụt giảm. Hiện kênh bán online đem về cho Ifood 30% doanh thu. Chính vì thế, trong dịch bệnh, Quỳnh Anh vẫn có kế hoạch nhập thêm một số sản phẩm cá mới từ Nhật để phân phối bán lẻ. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng tìm được lối thoát như vậy, các doanh nghiệp mảng khách sạn, lưu trú, du lịch, các ngành sản xuất có nguyên vật liệu nhập khẩu gần như phải chuyển sang hướng kinh doanh hoàn toàn mới song song với việc cắt giảm chi phí tối đa.

Dù có điều hướng kinh doanh được hay vẫn trong tình trạng cố gắng cầm cự, các doanh nghiệp khi được hỏi đều cho rằng cần nguồn vốn giá tốt để tái đầu tư hoặc chi trả cho các đối tác mà mình đang nợ đọng.

Trong đợt đầu năm, một loạt các ngân hàng đã nhanh chóng triển khai tái cấu trúc cho các DN bị ảnh hưởng bởi COVID-19, số lượng doanh nghiệp được cơ cấu lại nợ tính đến 22/6/2020 là gần 260.000 doanh nghiệp. Số liệu dự đoán từ Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế TW (CIEM ), có gần 86% doanh nghiệp Việt nam bị ảnh hưởng bởi COVID-19 và 19.3% doanh nghiệp sẽ đóng cửa (cao hơn 13% so với năm 2019). Làm một bài toán nhanh sẽ thấy số doanh nghiệp cần hỗ trợ về cấu trúc nợ còn khoảng gần 400.000.

Trong nỗ lực điều hành lãi suất, đầu tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các nhà băng giảm lãi suất huy động để từ đó tác động giảm lãi suất vay, giảm bớt áp lực cho các doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khủng hoảng này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp được phỏng vấn cho rằng lãi suất hiện vẫn cao và việc vay vốn thì không hề dễ dàng bởi các ngân hàng cũng cần cân nhắc cho vay khách hàng để bảo vệ chính họ.

Sáng kiến Thắp lửa tập trung vào việc khơi dậy tiềm lực của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam. Các nữ doanh nhân sẽ được hỗ trợ để tăng cường tiếp cận tài chính, công nghệ, thông tin và mạng lưới doanh nghiệp thông qua mô hình hợp tác giữa ngân hàng, tổ chức phi chính phủ và đối tác hỗ trợ tăng tốc khởi nghiệp. Tại Việt Nam, CARE triển khai các hoạt động trong khuôn khổ sáng kiến cùng với 3 đối tác, bao gồm: Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Công ty TNHH Công nghệ Canal Circle Việt NamSáng kiến hỗ trợ Phụ nữ Khởi nghiệp và Kinh doanh (WISE), với sự tài trợ của Trung tâm Phát triển Toàn diện Mastercard.