Việt Nam trong thời gian qua được ca ngợi là một trong những quốc gia ngăn chặn đại dịch COVID-19 thành công nhất trên thế giới3 với số ca nhiễm ở dưới 2000 ca và nền kinh tế vẫn tăng trưởng ở mức 2,9% trong năm 2020. Nhưng bức tranh tươi sáng này vẫn còn thiếu hụt mảnh ghép về những khó khăn của hàng ngàn doanh nghiệp và hàng triệu người lao động (NLĐ). Ngành công nghiệp may mặc và da giày là những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất, và câu chuyện ở đây không phải là ngoại lệ nếu so sánh với các quốc gia xuất khẩu đồ may mặc khác: đó là sự gián đoạn nguồn cung vật liệu, đơn hàng bị hủy bỏ, vận chuyển bị trì hoãn, và các khoản thanh toán bị chậm – dẫn đến hàng triệu NLĐ trực tiếp phải ngừng việc, giảm thu nhập, và mất việc.
Tổ chức Fair Wear Foundation và CARE Việt Nam đồng tài trợ thực hiện tài liệu chính sách này, tổng hợp thông tin từ hai nghiên cứu gần đây, bao gồm, “Tác động của COVID-19 tới NLĐ trong ngành da giày và may mặc tại Việt Nam” (được TARGET và CNV International tài trợ và CARE Quốc tế tại Việt Nam thực hiện) và “Công nghiệp dệt may và da giày trong khủng hoảng COVID-19 – Các tác động và Phản ứng chiến lược” (do Sáng kiến Phát triển Thương mại bền vững (IDH), tổ chức CNV International, Fair Wear Foundation (FWF) tài trợ, và Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Lao động (ERC) thực hiện) nhằm giúp phác họa một bức tranh toàn cảnh về các tác động kinh tế – xã hội của đại dịch COVID-19 đối với ngành may mặc và da giày ở Việt Nam.