Công việc kinh doanh của Phạm Phương Thảo đang ngày một phát triển nhờ được tiếp cận vốn tài chính vi mô và các buổi tập huấn thiết thực, phù hợp với nhu cầu của cô.

Phạm Phương Thảo là một cô gái trẻ  đang sống tại Thanh Hóa. Dù mới 24 tuổi, Thảo đã có ba năm kinh nghiệm kinh doanh hoa, cây cảnh và nay còn tạo việc làm cho sáu nhân viên. Ngay cả trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Thảo vẫn kỳ vọng doanh thu của cô sẽ tăng đáng kể trong năm nay nhờ việc đa dạng hóa phương thức bán hàng, kết hợp thêm bán trực tuyến và bán buôn. Bên cạnh đó, cô cũng mở rộng sang cả lĩnh vực tư vấn thiết kế cảnh quan sân vườn.

Không chỉ riêng COVID-19, Thảo còn phải vượt qua những rào cản lớn khác, như không được gia đình ủng hộ hay sự cạnh tranh trên thương trường. Cô chia sẻ: “Khi tôi bắt đầu về quê lập nghiệp, tôi đã gặp khá nhiều khó khăn như vốn, phải dành thời gian để chu toàn trách nhiệm gia đình như chăm sóc con cái, cũng như khó khăn từ các đối thủ cạnh tranh lớn. Có rất nhiều ý kiến ​​đối lập từ gia đình, họ hàng và những người khác. Nhưng có một điều thúc đẩy tôi, đó là sự ủng hộ của chồng tôi.”

Sáng kiến Thắp lửa (CARE Ignite) do Trung tâm Phát triển Toàn diện Mastercard tài trợ hướng tới hỗ trợ các nữ doanh nhân như Thảo phát triển kinh doanh thông qua tập huấn kết hợp với tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ tài chính phù hợp, đồng thời thách thức các chuẩn mực văn hóa và xã hội đang kìm hãm phụ nữ phát huy tiềm năng của họ.

Chúng ta cần vượt qua rào cản để có thể tự do thực hiện đam mê của mình.”

 

Tiếp cận tài chính là một thách thức lớn đối với Thảo, cô giải thích: “Vì chúng tôi là gia đình trẻ, chúng tôi không có tài sản thế chấp và rất khó huy động tiền mặt. Chúng tôi rất khó tiếp cận các khoản vay từ ngân hàng thương mại.” Tuy vậy, thông qua mô hình cho vay của Tổ chức Tài chính Vi mô Thanh Hóa (Thanh Hóa MFI), Thảo đã tiếp cận được khoản vay 25 triệu đồng. Với quan hệ đối tác của Sáng kiến Thắp lửa với Công ty Công nghệ – Tài chính Canal Circle và Thanh Hóa MFI, Thảo còn được giới thiệu sử dụng ứng dụng Quản lý khoản vay Tizo và hy vọng sẽ sớm nhận được khoản vay lớn hơn. Cô cho biết: “Những lợi ích mà tôi nhận được là: trả góp nhiều lần, không yêu cầu tài sản thế chấp và quy trình phê duyệt nhanh chóng và đơn giản. Cả khóa tập huấn và ứng dụng này đã giúp tôi hình thành thói quen ghi chép sổ sách tài chính cẩn thận và tỉ mỉ hơn”.

Thông qua Sáng kiến Thắp lửa, Thảo cũng nhận được gói đào tạo chuyên sâu, khoản học bổng 20 triệu đồng, và các khóa tập huấn về kinh doanh trực tiếp cũng như trực tuyến, quản lý tài chính, lập kế hoạch kinh doanh, tiếp thị trực tuyến và cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Thảo cho biết: “Tôi đã học cách quản lý cảm xúc của mình, chia sẻ cảm xúc với người khác, và cảm nhận sâu sắc hơn về trải nghiệm của mình. Tôi cũng có cơ hội kết nối với các nữ chủ doanh nghiệp khác trên địa bàn, cập nhật kiến thức và mở rộng mạng lưới kinh doanh.”

 

Với sự hỗ trợ từ Sáng kiến Thắp lửa, Thảo đã lựa chọn đầu tư khoản vay của mình vào máy chưng cất và máy sấy hoa hồng để có thể tiếp cận thị trường với nhiều sản phẩm hơn. Cô nói: “Từ hai chiếc máy đó, tôi đã làm ra nhiều sản phẩm hơn như nước hoa hồng chưng cất và tinh dầu. Tôi đã đưa những sản phẩm đó ra thị trường và nhận được phản hồi tốt từ khách hàng”.

Thảo hào hứng chia sẻ những ý tưởng giúp cải thiện và tiếp thị ứng dụng Tizo tốt hơn để ứng dụng này có thể tiếp cận và hỗ trợ người dân sống ở các khu vực miền núi nơi mà việc sử dụng công nghệ còn hạn chế. Cô cũng ghi nhận vai trò quan trọng của các kỹ năng kỹ thuật số: “Kỹ năng kỹ thuật số giúp tôi thu thập thông tin về thị trường, tiếp cận khách hàng mục tiêu và tìm hiểu nhu cầu của họ một cách hiệu suất nhất. Hơn hết, kỹ năng tiếp thị và bán hàng trực tuyến là những kỹ năng cần thiết nhất để phát triển kinh doanh”.

tài chính vi mô chắp cánh ước mơ nữ doanh nhân

Khi công việc kinh doanh tiếp tục tăng trưởng, Thảo suy ngẫm lại về thành công của mình tính tới thời điểm này. “Sau ba năm kinh doanh, tôi có nhiều sản phẩm hơn, nhiều khách hàng hơn và lượng khách hàng đã ổn định. Bây giờ tôi cũng đã có một trong những cửa hàng lớn nhất vùng.” Thảo thẳng thắn nói về khát vọng phát triển: “Tôi muốn trở thành nhà cung cấp hoa và cây cảnh lớn nhất trong vùng, và mở rộng nhóm đối tượng khách hàng sang phân khúc cao cấp hơn”.

Cuối cùng, Thảo gửi gắm tới những phụ nữ khác đang nghĩ đến việc lập nghiệp “Hãy tự tin và dũng cảm hơn. Chúng ta cần vượt qua rào cản để có thể tự do thực hiện đam mê của mình”.

Sáng kiến Thắp lửa tập trung vào việc khơi dậy tiềm lực của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam. Các nữ doanh nhân sẽ được hỗ trợ để tăng cường tiếp cận tài chính, công nghệ, thông tin và mạng lưới doanh nghiệp thông qua mô hình hợp tác giữa ngân hàng, tổ chức phi chính phủ và đối tác hỗ trợ tăng tốc khởi nghiệp. Tại Việt Nam, CARE triển khai các hoạt động trong khuôn khổ sáng kiến cùng với 3 đối tác, bao gồm: Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Công ty TNHH Công nghệ Canal Circle Việt Nam và Sáng kiến hỗ trợ Phụ nữ Khởi nghiệp và Kinh doanh (WISE), với sự tài trợ của Trung tâm Phát triển Toàn diện Mastercard.