Ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) là nhiệm vụ của toàn xã hội, các cấp,các ngành, các tổ chức và mọi người dân. Có rất nhiều các giải pháp ứng phó BĐKH cũng được đưa ra như các giải pháp về chính sách, kỹ thuật, hạ tầng. Việc khuyến khích áp dụng KTBĐ trong thích ứng với BĐKH là một trong những hoạt động thuộc chiến lược ứng phó với BĐKH của các bộ, ngành và các địa phương. Chiến lược quốc gia về BĐKH (2011) đã đề cập đến việc tăng cường sử dụng kiến thức bản địa (KTBĐ) trong các giải pháp thích ứng với BĐKH.
KTBĐ có khả năng thích ứng cao với môi trường của người dân – nơi mà chính những KTBĐ đó đã được hình thành, trải nghiệm và phát triển. KTBĐ là kết quả của sự quan sát, đúc rút kinh nghiệm từ thực tế sinh hoạt và trong sản xuất nông – lâm nghiệp, trong quản lý tài nguyên và quản lý cộng đồng, được hình thành trực tiếp từ quá trình lao động của mọi người dân trong cộng đồng, dần được hoàn thiện và truyền thụ lại cho các thế hệ sau. Vì vậy, việc vận dụng KTBĐ trong thích ứng BĐKH là chìa khóa thành công cho việc phát triển sinh kế bền vững, nhất là đối với người dân tộc thiểu số (DTTS).
Cuốn tài liệu hướng dẫn “Xác định và sử dụng kiến thức bản địa trong thích ứng với biến đối khí hậu dựa vào cộng đồng” sẽ giúp cho độc giả thấy rõ hơn về vai trò và giá trị của KTBĐ đối với cộng đồng người DTTS trong thích ứng với BĐKH và coi đó là một trong những biện pháp thích ứng với BĐKH tối ưu của người DTTS.