Anh Nguyễn Tuấn Hùng là một cán bộ trẻ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu. Từ chỗ nghi ngờ về hiệu quả của dự án mà CARE mang đến địa phương, anh ngày càng có niềm tin vào những chuyển biến chính mắt anh chứng kiến. Mời các bạn đọc chia sẻ về anh Hùng từ Tổ công tác dự án InfoAct Điện Biên và Lai Châu.

Từ chỗ nghi ngờ hiệu quả của dự án

Những ngày đầu mới tiếp cận dự án Tăng cường khả năng thích ứng thông qua tiếp cận thông tin khí hậu (InfoAct), anh Hùng cảm thấy vô cùng lo lắng về những khó khăn thách thức ở địa bàn. Anh cũng có phần nghi ngờ về cách thức triển khai dự án cũng như tính khả thi và hiệu quả của dự án đối với người dân.

“Công việc chuyên môn đã bận, khi tham gia hoạt động dự án sẽ thêm vất vả. Người dân nghèo lại sống rải rác, liệu họ có muốn tham gia các hoạt động dự án không?”

Nguyễn Tuấn Hùng

Tuy vậy, nhận được phân công của cơ quan và từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lai Châu, anh vẫn tham gia đều đặn vào công việc của InfoAct. Anh dự lớp tập huấn về kỹ năng thúc đẩy và làm việc với cộng đồng, thăm quan mô hình Nhóm Cổ phần Tài chính tự quản (VSLA) ở Điện Biên. Đây là một địa bàn khác có dự án InfoAct.

Trở thành thành viên tích cực

Anh vẫn giữ nguyên quan điểm của mình cho đến khi đi thăm một nhóm VSLA ở huyện mình. Lần đó, anh được làm việc trực tiếp với các chị em người dân tộc thiểu số tham gia dự án. Lần đầu tiên anh được mắt thấy, tai nghe những gì mà chị em làm và chia sẻ tại một buổi sinh hoạt VLSA định kỳ. Anh thấy được sự hào hứng, tích cực của các thành viên. Điều này khác hẳn suy nghĩ trước đây của anh về sự tham gia của cộng đồng vào dự án.

Các hoạt động khác cũng giúp anh hiểu hơn mục đích và ý nghĩa của dự án. Anh đặc biệt cảm nhận được vai trò qua trọng của việc xây dựng các bản tin dự báo khí hậu phân vùng và khuyến cáo nông nghiệp mà dự án thúc đẩy. Điều này cũng trùng hợp với chuyên môn, nhiệm vụ của anh. Anh thấy được tác động của các bản tin đó với bà con dân tộc thiểu số nghèo. Qua đó, họ có kiến thức để thay đổi phương thức canh tác nhằm trồng, hái cà phê hiệu quả hơn.

Anh Hùng chia sẻ thời gian tới, anh sẽ sắp xếp công việc chuyên môn để tiếp tục tham gia vào các hoạt động dự án. Anh cũng mong muốn động viên, khuyến khích vợ anh tham gia vào nhóm VSLA ở bản nơi vợ chồng anh đang sinh sống.

CARE triển khai dự án Tăng cường khả năng thích ứng thông qua tiếp cận thông tin khí hậu (InfoAct) do Chính phủ Đức tài trợ ở hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Ở Điện Biên, đối tác đồng triển khai là Trung tâm Phát triển Cộng đồng (CCD). Ở Lai Châu, CARE phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Dự án đặt mục tiêu tăng cường sinh kế và khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu của người dân tộc thiểu số nghèo.