Đọc chia sẻ của Bùi Bích Hà, cán bộ Giám sát và Đánh giá của CARE về một người tham gia dự án cà phê.
Anh Tòng Văn Hoàn hiện sống ở xã Ảng Nưa, huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên – nơi nhiều hộ đang sống nhờ cây cà phê. Sinh ra trong một gia đình đông con, bố làm công nhân, mẹ là nông dân, anh đã quyết tâm theo học ngành nông nghiệp với suy nghĩ ít nhất mình cũng sẽ có kiến thức để phục vụ cho gia đình mình, giúp được chính mình. Hiện anh đã có gia đình với 1 bé gái. Bên cạnh công việc là cán bộ khuyến nông, Hoàn vẫn trồng cà phê, chăm sóc gia súc, vật nuôi như những người nông dân khác quanh mình.
Bằng chứng của thay đổi
Anh Hoàn tham gia dự án Nâng quyền Kinh tế của Phụ nữ Dân tộc thiểu số thông qua cải tiến sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản (TEAL) do Chính phủ Australia tài trợ từ tháng 1/2018. Vai trò của anh trong dự án là thúc đẩy cộng đồng về bình đẳng giới, quyền phụ nữ cũng như truyền đạt cho người dân về các kiến thức trồng, thu hoạch và chế biến cà phê áp dụng kỹ thuật mới. Tất cả là để làm sao người phụ nữ dân tộc thiểu số được nhìn nhận, coi trọng. Để người phụ nữ có được lợi ích xứng đáng khi tham gia chuỗi giá trị cà phê Arabica.
Thông qua dự án này, anh Hoàn được tham gia nhiều lớp tập huấn với các chủ đề như bình đẳng giới, kỹ năng thúc đẩy cộng đồng. Những kiến thức, kỹ năng này không chỉ giúp anh áp dụng trong các công việc liên quan đến khuyến nông mà còn khiến anh thay đổi quan điểm và thực hành ngay trong chính gia đình mình.
Một ngày của anh thường bắt đầu bằng việc cho lợn gà ăn, giặt giũ quần áo rồi mới đi làm. Vợ anh làm tạp vụ cho trường học. Chị thường đi làm sớm và về nhà muộn hơn anh. Trước đây, cũng có lúc anh muốn làm việc nhà nhưng còn ngại ngần. Bây giờ, anh sẵn sàng chia sẻ, đỡ đần vợ và thấy rằng điều này là khá phổ biến ở bản của mình.
“Tóm lại hai vợ chồng làm gì cũng phải tâm sự với nhau. Làm gì cũng hài hòa. Nếu cổ hủ như ngày xưa, lấy vợ về để làm việc thì cuộc sống mình sẽ vất vả hơn. Giúp được vợ cái gì thì em sẵn sàng thôi.”
Tòng Văn Hoàn
Khi chia sẻ kinh nghiệm của chính mình, Hoàn cũng truyền cảm hứng cho nhiều người khác bằng những câu nói rất thật lòng. “Nhờ tham gia nhiều hoạt động với các anh chị nên là giờ em mới làm việc nhà”, hay “Việc (nhà) là việc đàn ông cũng phải làm. Ở nhà em làm hết”.
“Thật ra đối với em, em tham gia dự án là học được rất nhiều kinh nghiệm vì trước đây em rất rụt rè. Bây giờ đứng trước mọi người em có sự tự tin. Trước đây em không biết cách phản hồi với người dân nên có khi bực mình, cáu giận nhưng giờ dự án giúp em biết cách giải đáp với người dân.”
Tòng Văn Hoàn
Hoàn cho biết việc tham gia vào các hoạt động của dự án như nhóm VSLA hay các buổi tập huấn giáo dục tài chính đã giúp phụ nữ tự tin hơn, biết quản lý tài chính trong gia đình và có ý thức cũng như thực hành tiết kiệm dù ít hay nhiều. Với các anh nam giới, họ cũng đã bước đầu hiểu rằng mình phải chia sẻ việc nhà với vợ như nấu cơm, giặt giũ.
Hy vọng cuộc sống tốt đẹp hơn
Hoàn vẫn còn những nỗi lo riêng. Cà phê là cây trồng chính ở địa phương nhưng việc chăm sóc, gieo trồng lại phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết. Người dân bị động khi phụ thuộc vào doanh nghiệp thu mua sản phẩm và không biết được giá cả thị trường sẽ biến động như thế nào. Trong chăn nuôi – một mảng chuyên môn khác mà anh phải đảm nhiệm ngoài phạm vi dự án TEAL, việc kiểm soát bệnh dịch chưa triệt để khiến việc bảo toàn vật nuôi thực sự là một thách thức.
Nhìn về phía trước, Hoàn mong muốn dự án có thêm những hoạt động để giúp người dân trồng cà phê, đặc biệt là trong việc thu mua sản phẩm bởi với người dân, quan trọng nhất là có nguồn tài chính để tiếp tục đầu tư cho sản xuất. Anh hy vọng trong tương lai, cuộc sống của gia đình mình và của người dân sẽ tiếp tục được phát triển ổn định.
CARE triển khai dự án Nâng quyền Kinh tế của Phụ nữ Dân tộc thiểu số thông qua cải tiến sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản (TEAL) do Chính phủ Australia tài trợ ở hai tỉnh Điện Biên và Sơn La. Ở Điện Biên, đối tác đồng triển khai là Trung tâm Phát triển Cộng đồng (CCD). Ở Sơn La, CARE phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Ngoài ra, CARE hợp tác với Trung tâm Phát triển Cộng đồng (CDC) ở Đắc Lắk, các chuyên gia cà phê hàng đầu Việt Nam và nhiều công ty tư nhân để giúp nông dân trồng cà phê Arabica vào được các thị trường khó tính hơn.