Hai trong số những câu chuyện thay đổi tiêu biểu được ghi nhận và chia sẻ bởi anh Lưu Văn Thanh, cán bộ dự án Tăng cường Quan hệ Đối tác vì sự Phát triển Công bằng và Toàn diện của Cộng đồng các Dân tộc Thiểu số (P4EM) trong chuyến công tác 5 ngày thăm các hộ gia đình tham gia các mô hình phát triển kinh tế và giảm nghèo tại tỉnh Hà Giang.
Hà Giang, tháng 7, mưa và mưa. Con đường dốc quanh co và trơn trượt như muốn hất văng tất cả những ai đang đi trên nó. Men theo những con đường nhỏ dọc theo triền núi, chúng tôi tới thăm các hộ gia đình tham gia Sáng kiến nuôi bò vỗ béo quay vòng vốn và Sáng kiến nuôi lợn nái bản địa nhằm cải thiện sinh kế để thích ứng với biến đổi khí hậu do dự án Tăng cường Quan hệ Đối tác vì sự Phát triển Công bằng và Toàn diện của Cộng đồng các Dân tộc Thiểu số (P4EM) hỗ trợ.
Thay đổi, tích lũy và tái đầu tư
Hộ đầu tiên chúng tôi tới thăm là gia đình chị Vàng Thị Máng và anh Lầu Xín Sử tại thôn Lẩu Chúa Tủng, xã Sà Phìn. Đôi vợ chồng ra đón chúng tôi với khuôn mặt rạng rỡ, còn lấm tấm mồ hôi và những đôi chân trần còn lấm lem, dính cỏ. Hai người đang cùng nhau chuẩn bị cỏ và lá ngô làm thức ăn cho bò. Trò chuyện với chúng tôi, anh chị hồ hởi chia sẻ câu chuyện thoát nghèo của gia đình nhờ tham gia Sáng kiến nuôi bò vỗ béo quay vòng vốn.
Chị Máng kể, trước đây, gia đình chị là một trong những hộ nghèo trong thôn. Sinh kế chính của gia đình chỉ dựa vào mấy nương ngô. Tuy nhiên, lượng ngô sản xuất được làm lương thực để đủ ăn đã khó, chưa nói đến việc dự trữ. Nhưng mọi thứ đã thay đổi từ khi gia đình chị quyết định tham gia Sáng kiến vào cuối năm 2018.
Cùng với 6 hộ khác trong thôn, gia đình chị Máng – anh Sử được dự án hỗ trợ 18 triệu đồng tiền vốn để mua 1 con bò giống. Nhận được khoản hỗ trợ, các thành viên trong gia đình ai nấy đều rất vui và phấn khởi. Mọi người có thêm động lực để cố gắng chăm sóc tốt cho đàn bò nhà mình. Ai cũng hi vọng nhờ sự thay đổi này, kinh tế gia đình sẽ khấm khá hơn. Bên cạnh đó, dự án cũng tổ chức các buổi tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn cách chăn nuôi hiệu quả, cách dự trữ thức ăn cho bò qua mùa đông cho các thành viên tham gia Sáng kiến thông qua hoạt động họp nhóm định kỳ. Chị Máng khoe, sau khi tham gia tập huấn, chị cảm thấy tự tin hơn trong việc áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi. Hàng ngày, các thành viên gia đình chị lại thay phiên nhau đảm nhận các công việc chăm sóc bò, từ lấy cỏ, cắt cỏ đến cho bò ăn. Chị Máng còn đặc biệt vui hơn vì chị luôn nhận được sự ủng hộ và san sẻ công việc từ chồng mình – anh Sử.
Chỉ sau khoảng một năm chăm sóc, bò nhà anh chị lớn rất nhanh. Cuối năm 2019, chị Máng đã bán bò quay vòng được 2 lượt, mỗi lượt lãi 25 triệu. Đây là một số tiền rất lớn với cả gia đình chị.
Nhận thấy hiệu quả của mô hình này, đầu năm 2020, chị đã mạnh dạn bàn bạc với chồng đầu tư thêm tiền để mở rộng chăn nuôi. Gia đình chị đã tái đầu tư mua thêm 2 con bò giống mới với trị giá 65 triệu đồng. Chị cho biết, ước tính giá trị hiện tại của hai còn bò mà gia đình đang nuôi rơi vào khoảng 90-100 triệu đồng. Vậy là, nếu bán đi, gia đình chị sẽ lãi được gần 40 triệu, gấp rưỡi số tiền bỏ ra ban đầu. Vợ chồng chị hi vọng cuối năm sẽ tiết kiệm được 100 triệu để có sửa lại ngôi nhà cho khang trang hơn. Chị Máng cũng không quên chia sẻ với chúng tôi rằng, không chỉ gia đình chị, mà tất cả 7 hộ tham gia Sáng kiến đều đã có lãi từ việc bán bò. Trước khi rời đi, anh chị dẫn chúng tôi ra thăm chuồng bò. Nhìn những chú bò được anh chị chăm sóc cẩn thận với máng ăn đầy cỏ, con nào con nấy bụng căng tròn, màu lông óng mượt, chúng tôi cảm nhận được sự tận tâm chăm sóc mà anh chị dành cho chúng. Mỗi con bò được nuôi lớn và bán đi là thêm một hi vọng về thoát nghèo và thay đổi cuộc sống của gia đình anh chị được thắp lên.
Chia sẻ để cùng phát triển
Tiếp tục chuyến đi, cả đoàn công tác cùng tới thăm gia đình chị Pả Thị Nhỏ và anh Đặng Văn Sử tại xã Thượng Sơn, huyện Vị Xuyên. Thời điểm chúng tôi tới, ở nhà chỉ có anh và chị, hai cháu nhỏ đã đi học hết.
Năm 2018, gia đình chị Nhỏ – anh Sử đã có một sự thay đổi lớn. Anh chị “khởi nghiệp” với vốn liếng là 2 con lợn nái. Cũng giống như hộ nhà chị Máng – anh Sử, cặp lợn này nhà chị Nhỏ được hỗ trợ trong khuôn khổ Sáng kiến nuôi lợn nái bản địa nhằm cải thiện sinh kế để thích ứng với biến đổi khí hậu – một mô hình khác được triển khai song song với Sáng kiến nuôi bò vỗ béo quay vòng vốn do dự án P4EM thực hiện cùng tại tỉnh Hà Giang.
Sau một hồi trò chuyện, hỏi thăm về cuộc sống của gia đình anh chị, chúng tôi ngỏ ý muốn biết thêm về tình hình cặp lợn nái. “Từ khi có 2 con lợn nái, cả nhà rất vui. Hai vợ chồng cùng nhau đi lấy thức ăn, nấu cám cho lợn ăn nên nó lớn rất nhanh,” chị Nhỏ nói, ánh mắt lấp lánh niềm vui. Vừa chỉ cho chúng tôi chuồng lợn, chị vừa thao thao kể: “Đến giờ (tháng 7/2020), mỗi con đã đẻ được 2 lứa rồi. Hai con lợn nái này nó đẻ tốt lắm, lứa nào cũng đẻ được cả chục con ấy”. Theo chị Nhỏ, hai lứa trước, mỗi lứa chị bán đi lãi được 15-16 triệu đồng. Hiện tại, gia đình đang nuôi 32 con lợn con và 4 con lợn nái. Ngoài 2 con do dự án hỗ trợ ban đầu, gia đình chị đã nuôi thêm 2 con lợn nái nữa. Chỉ vào một đàn lợn chừng 10 con lợn con, mỗi con khoảng 9-10kg, chị nói, đàn này hiện đã có người trả 18 triệu nhưng chị chưa bán, vì chị muốn nuôi lớn chút nữa để được giá cao hơn.
Hỏi thăm về các hoạt động của nhóm sáng kiến, chị Nhỏ cho biết, tham gia sáng kiến cùng vời gia đình chị ban đầu có 10 thành viên, đa số là hộ nghèo. Mỗi thành viên được hỗ trợ 2 con lợn nái giống. Từ khi tham gia sáng kiến, các thành viên trong nhóm mà nòng cốt là các chị em phụ nữ, đã thống nhất với nhau định kỳ 2 tháng sẽ họp lại một lần để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi. Bên cạnh đó, các thành viên trong nhóm đã tự nguyện cùng đóng góp được 10 triệu làm quỹ tương trợ để hỗ trợ nhau phát triển kinh tế.
Không chỉ bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao và giúp cho nhiều hộ thoát nghèo, mô hình nuôi lợn này còn góp phần củng cố tinh thần đoàn kết của các thành viên nhóm và lan tỏa sự sẻ chia trong cộng đồng. Các thành viên ban đầu được dự án hỗ trợ đã kết nạp thêm các thành viên mới và hỗ trợ lợn giống cũng như chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ này. Điều này góp phần không nhỏ cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo của xã.
Hai cháu nhỏ nhà anh chị đi học về cũng trùng đúng lúc chúng tôi chia tay gia đình. Nhìn khuôn mặt tươi cười rạng rỡ của những đứa trẻ, chúng tôi càng có thêm niềm tin và động lực vào công việc mình đang làm, để thêm nhiều gia đình như gia đình chị Nhỏ – anh Sử được giúp đỡ, và tương lai của nhiều đứa trẻ con cái của họ cũng dần trở nên tốt đẹp và tươi sáng hơn.
Dự án Tăng cường quan hệ Đối tác vì sự Phát triển Công bằng và Toàn diện của Cộng đồng các Dân tộc Thiểu số (P4EM) do tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam phối hợp với Ủy ban Dân tộc (CEMA) và Ban Dân tộc các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Quảng Trị, Trà Vinh và Kon Tum triển khai. Dự án được Cơ quan Viện trợ Ireland hỗ trợ tài chính và kéo dài từ năm 2017 đến năm 2021.