Trong những ngày này, thời tiết tại vùng núi Tu Mơ Rông thuận lợi cho cây sâm phát triển. Các thành viên trong nhóm tổ hợp tác trồng sâm dây (hồng đẳng sâm) thôn Đắc Viên, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) lại cùng nhau lên vườn chăm sóc cho sâm dây và cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm.
Từ buổi sinh hoạt nhóm Tín dụng tiết kiệm tự quản thôn Đắc Viên gần đây, một số thành viên chia sẻ rằng một mình lên vườn sâm chăm sóc thấy buồn vì đường xa: đi bộ đến vườn gần mất khoảng 30 phút, vườn xa phải tầm một tiếng.
“Làm mãi chẳng hết và chẳng biết vườn sâm dây của nhà mình có tốt hay không? làm sao để học hỏi để biết cách chăm sóc sâm dây cho tốt.”
Các thành viên Tổ Hợp tác
Vậy là nhóm thảo luận và thống nhất cùng nhau làm đổi công, đi thăm vườn sâm dây của từng nhà và cùng nhau chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm để trồng sâm cho tốt. Các thành viên cũng thống nhất việc nên đi lần lượt từng vườn nào để việc đi lại thuận lợi và làm việc hiệu quả.
Ngay từ sáng sớm, các thành viên đã chuẩn bị tư trang, dụng cụ và sẵn sàng cùng nhau lên vườn sâm dây. Ai nấy đều thấy vui vẻ và hạnh phúc trong tiếng cười đùa. Chiếc ba lô của các chị thực chất được sửa từ bao tải, được các chị buộc lại rồi khoác lên vai để khi đi làm nhặt được rau rừng thì cho vào bao để mang về nhà làm rau cho cả nhà. Con đường lên vườn sâm dây hôm nay như bằng phẳng hơn, đỡ dốc hơn và gần hơn bởi những câu chuyện cười khiến quên đi mệt mỏi trên đường.
Công việc vào mùa này chủ yếu là làm cỏ cho vườn sâm dây và phát hiện sâu bệnh. Trên những vườn sâm, những bóng người khom khom, tay thoăn thoát nhặt cỏ nhưng những câu chuyện làm cho mọi thứ như rộn ràng hơn. Làm việc với nhau như vậy, các chị có thể chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây sâm, hay cách tránh cho trâu bò, chuột phá hoại vườn sâm. Trong những giờ giải lao, đồ giải khát sẽ là những trái cây mọc trên rừng. Tuy đơn sơ nhưng thật vui và hạnh phúc.
Tổ Hợp tác Trồng Sâm dây ở thôn Đắc Viên là một trong hàng loạt sáng kiến cộng đồng nhận được trợ giúp từ dự án Tăng cường quan hệ đối tác vì sự phát triển công bằng và toàn diện của cộng đồng các dân tộc thiểu số (gọi tắt là P4EM) do Cơ quan Viện trợ Ai-len tài trợ.
Đầu tiên, các sáng kiến này đều do cộng đồng quyết định vấn đề ưu tiên. Đó có thể là trồng sâm, nuôi bò, hay sửa đường làng. Sau đó, các bên tham gia dự án khác sẽ hỗ trợ nhóm lập kế hoạch triển khai, giám sát tiến độ, báo cáo tài chính,… Thông qua đó, dự án mong muốn thúc đẩy năng lực của Ban Dân tộc tỉnh và các Ban Giảm nghèo cấp tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả của việc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Giảm nghèo Bền vững/ Chương trình 135.
Dự án P4EM được CARE và các đối tác triển khai từ năm 2017 đến 2021 tại năm tỉnh: Hà Giang, Hòa Bình, Quảng Trị, Trà Vinh và Kon Tum.