Dư luận xã hội nên suy ngẫm lại cách tôn vinh sự đảm đang của phụ nữ.
Nghiên cứu mới của CARE cho thấy thực tế: phụ nữ trên toàn cầu bị ràng buộc bởi các khuôn mẫu giới – điều đang hạn chế sự thành công trong kinh doanh của họ.
Các phát hiện từ nghiên cứu cũng cho thấy các khuôn mẫu giới đã ăn sâu như thế nào, ai đang áp đặt cũng như thực hành các khuôn mẫu này và các nữ doanh nhân gặp những trở ngại gì trên con đường tiến tới mục tiêu của mình. Rõ ràng, không chỉ đàn ông đặt kỳ vọng vào phụ nữ – mà chính phụ nữ và các thành viên nữ trong gia đình họ cũng vậy.
Đáng báo động hơn – nghiên cứu chỉ ra rằng khi các doanh nhân nữ bắt đầu thành công, họ có thể phải đối mặt với sự cản trở của các thành viên nam trong gia đình và thậm chí phải đối mặt với bạo lực hoặc quấy rối tình dục.
Các khuôn mẫu giới hiện hữu ở khắp mọi nơi. Kỳ vọng rằng một người phụ nữ phải đảm đương vai trò chính trong việc chăm sóc con cái là một định kiến ăn sâu và không bị dư luận thách thức. Trên toàn cầu, khả năng kiêm nhiệm nhiều việc của phụ nữ được cả nam giới và phụ nữ tôn vinh. Phụ nữ điều hành công việc kinh doanh của riêng mình, chăm sóc con cái, gia đình và làm mọi việc khác được coi là một biểu tượng để phấn đấu và noi theo.
Nghiên cứu mới của CARE thực hiện ở Pakistan, Peru và Việt Nam cho thấy kỳ vọng về việc phụ nữ là người chăm sóc con cái chính và nam giới là trụ cột gia đình vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết. CARE, thông qua sáng kiến Thắp lửa – Ignite, hỗ trợ các nữ doanh nhân phát triển doanh nghiệp của họ bằng việc tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn tài chính và kỹ thuật số, và thực hiện các hoạt động truyền thông để tác động thay đổi một số khuôn mẫu đang kìm hãm sự phát triển của phụ nữ.
Kết quả chính của nghiên cứu:
Khuôn mẫu: Phụ nữ nên là người chăm sóc trẻ em chính
- Tại Việt Nam, 80% nam giới và 60% phụ nữ tham gia khảo sát đồng ý rằng nữ doanh nhân nên là người chăm sóc con cái chính, bất chấp áp lực điều hành doanh nghiệp.
- Ở Peru, 80% phụ nữ được hỏi cho biết họ bị ràng buộc bởi vai trò giới truyền thống và những kỳ vọng và áp lực từ gia đình và xã hội với tư cách là người chăm sóc trong gia đình.
- Tại Pakistan, phụ nữ được hỏi cho biết trách nhiệm chăm sóc trẻ em là một trong những thách thức lớn nhất của họ.
Khuôn mẫu: Đàn ông nên là trụ cột chính trong gia đình
- Ở Peru, 40% phụ nữ tin vào chế độ phụ hệ, nơi đàn ông phải là chủ gia đình.
- Ở Việt Nam, 76,7% người trên 51 tuổi đồng ý với nhận định này, tuy nhiên, chỉ 36,7% người từ 26-50 tuổi đồng ý, cho thấy cách nhìn tiến bộ hơn của nhóm trẻ hơn.
- Pakistan, phụ nữ không được chấp nhận nếu họ kiếm được nhiều tiền hơn chồng – 76%số người được hỏi cho rằng mọi người, đặc biệt là các thành viên trong gia đình, sẽ khôngchấp nhận nếu doanh nhân nữ có được thu nhập tốt hơn bạn đời.
Ở Việt Nam, các bà mẹ chồng được coi là người thực thi nghiêm túc các khuôn mẫu vai trò của người chăm sóc trẻ em. Họ cũng chính là những người sẽ phản đối nhiều nhất nếu người đàn ông trong gia đình chăm sóc trẻ nhiều hơn phụ nữ. Chính các nữ doanh nhân cũng ngầm định tuân thủ quy tắc này.
Ở Pakistan, đối với phụ nữ đã lập gia đình, mẹ chồng và các chị em gái của chồng là những người chủ yếu tạo áp lực cho phụ nữ phải ở nhà chăm sóc con cái và gia đình, còn người đàn ông là trụ cột chính trong gia đình. Ở Peru, một số phụ nữ chia sẻ rằng bất bình đẳng giới và định kiến cũng do chính phụ nữ đề cao, thường bị ảnh hưởng bởi niềm tin tôn giáo rằng đàn ông là chủ gia đình.
Hệ quả bất lợi của thành công:
Nghiên cứu cũng chỉ ra những hậu quả không lường trước từ sự thành công của một nữ doanh nhân. Ở Pakistan, phụ nữ chỉ ra rằng nếu họ bắt đầu kiếm được nhiều tiền hơn các thành viên nam trong gia đình, họ sẽ phải gánh thêm quá nhiều trách nhiệm trong gia đình đến mức buộc phải cắt giảm hoặc thậm chí ngừng kinh doanh. Hơn nữa, các doanh nhân nữ rời khỏi nhà để kinh doanh mà không có thành viên nam trong gia đình đồng hành bị coi là kém đạo đức và có thể bị quấy rối hoặc yêu cầu tình dục để đổi lại các thỏa thuận liên quan đến công việc. Ở Peru, 100% nữ doanh nhân được phỏng vấn đã từng nhìn thấy hoặc nghe nói về một trường hợp bạo lực trong môi trường gần gũi của họ (với mẹ, bạn bè, hàng xóm của họ).
Các giải pháp:
Thông qua sự kết hợp giữa các chiến dịch truyền thông xã hội sâu rộng và hội thảo trực tiếp, Chúng tôi đang bắt đầu nhận thấy những thay đổi nhỏ. Các chiến dịch truyền thông ở cả ba quốc gia đã sử dụng các hình mẫu nam và nữ cùng thực trách nhiệm chung trong gia đình và đã bình thường hóa sự phát triển và thành công của các nữ doanh nhân. Các chiến dịch này đã lan tỏa sự trân trọng các nữ doanh nhân.
Chị Nguyễn Thị Thu, người điều hành mạng lưới nông nghiệp hữu cơ cũng như kinh doanh thực phẩm của riêng mình tại Việt Nam, đã tham dự ‘Ngày hội gia đình’ do CARE tổ chức, nhằm thúc đẩy trách nhiệm chung và sự tham gia nhiều hơn vào thành công của phụ nữ của chồng và con cái. Thu chia sẻ: “Tôi đã phải vật lộn rất nhiều khi thiếu sự hỗ trợ của chồng tôi. Bây giờ chúng tôi đang cố gắng tìm kiếm sự cân bằng mới. Kể từ khi chúng tôi cùng nhau tham dự Ngày hội Gia đình, tôi đã thấy có một sự thay đổi ở anh ấy. Vào dịp đó, lần đầu tiên anh ấy ghi nhận công việc của tôi và sự đóng góp của tôi cho xã hội và cộng đồng. Kể từ đó, anh ấy thực sự giúp đỡ chăm sóc con và việc nhà. Anh ấy nấu ăn và dọn dẹp rất ổn! Bây giờ tôi có thể đi công tác nhiều hơn vì công việc”.
Tại Peru, CARE sẽ sử dụng dữ liệu về các khuôn mẫu giới này để phát triển một hoạt động mới của chương trình Ignite, tập trung vào trách nhiệm chung trong gia đình nhằm vào các doanh nhân nữ, đối tác và thành viên gia đình của họ. Các khóa đào tạo mới cũng sẽ được cung cấp cho các đối tác tài chính địa phương của CARE về giới và trách nhiệm chung. CARE cũng sẽ cung cấp hỗ trợ sớm và đăng ký cho các doanh nhân nữ khi họ báo cáo các ca bạo lực trên cơ sở giới. Tại Việt Nam và Pakistan, dữ liệu sẽ tiếp tục được sử dụng để tác động đến các hoạt động và chiến dịch tiếp cận cộng đồng nhằm thúc đẩy và bình thường hóa trách nhiệm chung cũng như sự độc lập về tài chính và kỹ thuật số của phụ nữ.
Bằng cách nghiên cứu về những rào cản đang kìm hãm các nữ doanh nhân và sau đó hợp tác chặt chẽ với các đối tác địa phương để tháo gỡ những rào cản đó, CARE đang thúc đẩy những cơ hội mới cho các nữ doanh nhân muốn phát triển doanh nghiệp của họ. Mặc dù sáng kiến Thắp lửa – Ignite ra đời giữa đại dịch Covid-19, chương trình đã giúp huy động 115 triệu USD vốn vay cho các nữ doanh nhân, tăng gấp hai mươi lần nguồn vốn chương trình ban đầu do Trung tâm Mastercard về Tăng trưởng Hòa nhập cung cấp. 83% người tham gia sáng kiến chia sẻ rằng chương trình đã góp phần tăng doanh số kinh doanh, giúp xây dựng khả năng phục hồi tài chính của họ.
Các hoạt động thúc đẩy tài chính toàn diện cho đến nay vẫn tập trung vào các sản phẩm và dịch vụ mà chưa hiểu đầy đủ và giải quyết những gì đang cản trở phụ nữ tiếp cận hoặc sử dụng các dịch vụ này. Rất ít tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tài chính đang tiếp cận giải quyết các định kiến giới – những điều đang kìm hãm các doanh nhân nữ, vì nó đòi hỏi cam kết lâu dài hơn. Có thể lấy ví dụ như việc chăm sóc trẻ và gia đình đã làm hạn hẹp quỹ thời gian của người phụ nữ. Kinh nghiệm của CARE cho thấy rằng sự tham gia ở cấp độ hộ gia đình có thể dẫn đến sự gia tăng đáng kể về chia sẻ trách nhiệm chung và việc ra quyết định. Điều này mang lại cho phụ nữ nhiều cơ hội và thời gian hơn để tập trung vào việc phát triển doanh nghiệp của chính họ và đóng góp cho nền kinh tế địa phương.
Rathi Mani-Kandt, Giám đốc khối hoạt động Doanh nhân Nữ & Tài chính Toàn diện tại CARE Hoa Kỳ cho biết: “Việc tôn vinh sự “đảm đang” và mong đợi phụ nữ làm tất cả mọi việc chu toàn phải dừng lại. Bằng cách làm việc cùng với phụ nữ và mạng lưới hỗ trợ của họ, chúng tôi muốn mọi người nhận ra tầm quan trọng của trách nhiệm chung trong gia đình và đánh giá cao những đóng góp to lớn mà các nữ doanh nhân đang tạo ra cho gia đình, cộng đồng và nền kinh tế của họ.”
CARE đang kêu gọi các tổ chức khác làm việc trong lĩnh vực tài chính:
- Thiết kế chương trình tổng thể bao gồm giải quyết các khuôn mẫu giới ngăn cản hoạt động của nhóm phụ nữ kinh doanh;
- Vinh danh lợi ích của trách nhiệm chia sẻ công việc chung trong hộ gia đình và sự đóng góp kinh tế của các nữ doanh nhân;
- Thu thập dữ liệu liên quan đến nhận thức và kỳ vọng xung quanh vai trò theo giới và nhữngrào cản này thể hiện như thế nào đối với sự phát triển của các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo;
- Vận động cho các chính sách đáp ứng những thách thức cụ thể mà các nữ doanh nhân phải đối mặt.
Vui lòng đọc toàn văn thông cáo báo chí tại đây.