Tháng 11-2019, tôi nhận được email của Đàm, giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Thương mại Hợp Thành Thanh Vận (Chợ Mới, Bắc Kạn). Tiêu đề là “Thư cảm ơn”. Đàm báo tin vui là Hợp tác xã (HTX) đã vinh dự nhận được khoản hỗ trợ 429 triệu đồng từ cuộc thi toàn quốc về “Tìm kiếm ý tưởng chuỗi giá trị dành cho cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam” hồi tháng 10 cùng năm. Đây thực sự là một khoản tiền lớn để giúp HTX nâng cao năng lực và thực hiện các kế hoạch kinh doanh của mình. Nó cũng là minh chứng cho năng lực của HTX sau bao ngày nỗ lực và đã gặt hái được những “quả ngọt” đầu tiên.
Khi ô tô dừng lại ở chân dốc lên trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Thanh Vận (huyện Chợ Mới), tôi có thể nhìn thấy căn xưởng nhỏ kiên cố sơn trắng, lợp tôn xanh ở khu đất chợ trung tâm xã. Đây là xưởng mới xây xong của HTX, do chính bàn tay 15 anh chị em thành viên dựng nên sau nhiều tháng nỗ lực. Vậy là một kế hoạch lớn mà HTX đã trở thành hiện thực sau bao nhiêu ngày tháng ấp ủ.
Căn xưởng này là một trong những mơ ước ấp ủ bấy lâu nay của HTX vì nhiều khách hàng muốn mua sản phẩm của HTX nhưng yêu cầu đến thăm xưởng. Có xưởng rồi, các thành viên nay yên tâm đi giới thiệu sản phẩm và kết nối khách hàng.
Tôi vào đến xưởng và thấy Đàm, Giám đốc HTX đang vệ sinh nhà xưởng và kiểm tra máy sấy chuối. Các thành viên khác đang về nghỉ trưa. Đàm tự hào dẫn tôi thăm quan xưởng, và chỉ cho tôi các khu vực khác nhau như khu kho, khu chế biến chuối giòn và dấm, phòng trưng bày. Chỉ vào một căn phòng nhỏ bên phải xưởng, Đàm nói: “Đây là phòng giám đốc chị ạ, nhỏ thôi nhưng có thể dùng để tiếp khách đến làm ăn. Xưởng tuy nhỏ nhưng đảm bảo được các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm chị ạ.”
Những thùng hàng chất đầy trong kho ghi địa chỉ người nhận khác nhau, từ Cao Bằng cho đến Thái Nguyên, Hà Nội, … Tính đến cuối năm 2019, HTX đã kết nối được với 25 kênh phân phối khác nhau ở nhiều tỉnh thành phía bắc và đang chuẩn bị gửi hàng đi. Đó là đợt giáp Tết Canh Tý 2020 – thời điểm bận rộn cho việc chuẩn bị hàng Tết. Bận nhưng vui, tôi có thể thấy điều đó qua cách nói chuyện và chia sẻ của các anh chị em trong HTX.
Kết quả kinh doanh của HTX ngày một cải thiện. Trong quý 4/2019, HTX bán hơn 1 tấn chuối dẻo, 500kg chuối giòn và gần 10 tấn chuối tươi với doanh thu hơn 150 triệu đồng. Bà con trong xã đã bán được chuối tươi cho HTX với giá cao hơn của thương lái và cao hơn so với giá của năm trước nữa từ 1.000 – 2.000đ/kg.
HTX cũng làm được nhiều việc quan trọng khác: hoàn thiện sản phẩm chuối sấy dẻo, làm việc với chuyên gia về công nghệ thực phẩm để tạo ra sản phẩm ngon miệnng nhất và tiết kiệm chi phí nhất. Các thành viên như chị Quy, chị Thoa hay chị Diễn thì có thể nói cho tôi nghe không dứt về các kỹ thuật chế biến và xử lý chuối sao cho thật giòn và thật dẻo. Họ cho tôi thấy tầm quan trọng của việc đảm bảo sự chính xác của độ dầy và thời gian chế biến để có sự nhất quán trong chất lượng sản phẩm. “Đúng là một bộ môn khoa học chứ chẳng đơn giản chút nào.” – tôi thầm nghĩ khi được các chị em người Tày chỉ bảo một cách đầy tự tin và hào hứng.
Những thành tựu này quả là động lực lớn cho HTX và cho chính chúng tôi, những cán bộ dự án từ Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu phát triển Nông lâm nghiệp miền núi (ADC) trong khuôn khổ Dự án ‘Nâng cao Vị thế Kinh tế của Phụ nữ Thông qua Thúc đẩy Chuỗi giá trị Nông nghiệp’ (WEAVE) do chính phủ Australia tài trợ. Chúng tôi biết mình đang đi đúng hướng khi hỗ trợ HTX tham gia các sự kiện, triển lãm, hay tham gia các cuộc thi khác nhau từ OCOP (tức chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm) cho tới cuộc thi cấp quốc gia như “Tìm kiếm ý tưởng chuỗi giá trị dành cho cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam”. Trong năm 2019, các thành viên của HTX đã tham gia hơn 15 sự kiện như hội chợ, triển lãm, và nghiên cứu thị trường trực tiếp với các siêu thị, hệ thống cửa hàng và trường học.
“Sau khi đi thị trường cùng nhóm anh Kiên [tức chuyên gia], mình học được nhiều cái. Thứ nhất là cách liên hệ trước với đối tác để hẹn lịch; thứ hai là chuẩn bị tài liệu, sản phẩm để gặp đối tác; thứ ba là cách nói chuyện với đối tác. Nói chung, bây giờ mình tự tin hơn khi đi tiếp cận thị trường rồi.”
Hà Đức Đàm
Không chỉ vậy, việc trực tiếp tổ chức gian hàng tại các buổi triển lãm còn giúp các thành viên như chị Quy, Vũ và Đàm trở nên quen thuộc với việc dựng gian hàng, phân công công việc, chọn sản phẩm và cách đóng gói, giới thiệu sản phẩm. Những kỹ năng ấy chỉ có thể được mài dũa khi các thành viên tự va vấp và trải nghiệm thực tế và rút ra chính bài học cho mình.
Sau chuyến đi trở về, tôi thấy lòng mình thật nhiều cảm xúc, cảm xúc của niềm tin, của sự hạnh phúc và vui sướng. HTX Hợp Thành Thanh Vận nói riêng hay bà con dân tộc thiểu số nói chung có thật nhiều nội lực, đam mê và tâm huyết. Chúng tôi chỉ cần dành thời gian học hỏi và lắng nghe họ để có thể khích lệ và hỗ trợ họ đúng thời điểm và đúng cách, một mùa trái ngọt chắc chắn sẽ về.
Dự án ‘Nâng Cao Vị Thế Kinh Tế của Phụ Nữ Thông Qua Thúc Đẩy Chuỗi Giá Trị Nông Nghiệp’ (WEAVE), do chính phủ Australia tài trợ, được thực hiện bởi liên minh ba tổ chức phi chính phủ – CARE Quốc tế tại Việt Nam, Oxfam và SNV. Dự án WEAVE sẽ hỗ trợ nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số trong chuỗi giá trị thịt lợn và quế ở tỉnh Lào Cai và chuỗi giá trị chuối ở tỉnh Bắc Kạn. WEAVE kì vọng được được các mục tiêu của mình thông qua thúc đẩy bình đẳng giới tại các hộ gia đình và nhóm sản xuất, tăng cường kỹ năng sản xuất và khả năng thương thuyết; kết nối nông dân với doanh nghiệp và đối thoại chính sách với Nhà nước nhằm cải thiện các chính sách hỗ trợ người sản xuất.