Vào ngày 20/8/2019, Hội thảo khởi động Dự án “Phát triển sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số sản xuất chè thông qua kết nối thị trường bền vững” (gọi tắt là T-LEAF) được tổ chức tại Mộc Châu, Sơn La. Bốn mươi đại diện đến từ các cơ quan đối tác khu vực công và tư cùng các thôn, xã vùng triển khai của dự án đã tham dự Hội thảo. Mục tiêu chính của Hội thảo là giới thiệu dự án đến tất cả các bên đối tác là chính quyền, các đơn vị hỗ trợ kỹ thuật cũng như đại diện của người dân.

Ông Lê Xuân Hiếu – Quản lý Danh mục Dự án của CARE phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Linh Huỳnh/CARE

Hội thảo cũng tạo ra không gian để các cấp, ngành, người dân và doanh nghiệp thảo luận các khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè của Vân Hồ.

Trước hết, hoạt động canh tác chè từ lâu nay của người dân vẫn dựa trên kinh nghiệm mà chưa được trang bị kỹ thuật. Do vậy, sản phẩm đầu ra có chất lượng và năng suất thấp; cây chè bị khai thác không đúng cách và dẫn tới nguy cơ mất bền vững. Thứ hai, hoạt động sản xuất và bán chè của người dân hoàn toàn ở cấp hộ gia đình nên không tạo ra sức mạnh trong sản xuất cũng như trong tiêu thụ. Cuối cùng, hoạt động sản xuất cũng chưa được tổ chức theo tổ nhóm. Việc này đã tạo ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp thu mua số lượng lớn trong việc đảm bảo nguồn cung ổn định. Thực tế, có những lúc sản lượng chè thu hái của người dân vượt quá năng lực của nhà máy, trong khi lúc khác thì nhà máy lại không có đủ nguyên liệu để sản xuất.

“Tôi cảm động và vui mừng vì HTX Chè Vân Hồ đã vận hành được 2 năm nay, nhưng chưa khi nào có được một cuộc họp đầy đủ thế này, đặc biệt được trao đổi trực tiếp với người dân như hôm nay. Tôi mong rằng dự án sớm triển khai theo đúng kế hoạch để giải quyết các vấn đề mà người dân và doanh nghiệp hôm nay đã nêu ra.”

Ông Trần Minh Hiệp, Giám đốc HTX Chè Vân Hồ
Đồi chè tại Sơn La. Ảnh: Lê Xuân Hiếu/CARE

Dự án T-LEAF được thiết kế để phần nào giải quyết các vấn đề đang tồn tại trong ngành chè tại Sơn La. Dự án kỳ vọng sẽ hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số trồng chè và các doanh nghiệp giải quyết những khó khăn đang tồn tại. Mục đích cuối cùng hướng đến là nhằm tạo ra một môi trường tốt cho ngành chè tại địa phương.

Dự án T-LEAF sẽ được triển khai tại hai xã Chiềng Khoa và Tô Múa, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La từ năm 2019 đến 2021. Được tài trợ bởi Chính phủ Australia như một phần của chương trình “Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch” (GREAT), T-LEAF sẽ được triển khai bởi CARE, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn – Trung tâm khuyến nông Sơn La, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sơn La, Công ty cổ phần đầu tư và sản xuất chè Tô Múa và Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh chè Vân Hồ.