Dự án Vươn Mình hướng tới thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững trong nhóm nông dân sản xuất quy mô nhỏ, đặc biệt là phụ nữ và người dân tại các cộng đồng thiểu số thông qua thúc đẩy sự thay đổi trong hai khía cạnh: Khả năng tiếp cận các thị trường toàn diện, và Khả năng tiếp cận các nguồn lực sản xuất cũng như lập kế hoạch và ra quyết định của phụ nữ.

Bối cảnh

Tây Nguyên là một vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam, thường được biết tới với các sản phẩm mũi nhọn như café, cao su, tiêu, rau củ và trái cây. Tuy vậy, không phải người dân nào cũng được hưởng lợi từ những lợi thế và tiềm năng sản xuất nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp trong nhiều cộng đồng vẫn đối mặt với nguy cơ đứt gãy, sản lượng và giá trị thấp.

Nông sản chủ yếu xuất thô, thu nhập của người nông dân còn thấp và bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển. Các nông dân sản xuất quy mô nhỏ thường bán nông sản cho thương lái địa phương với giá thấp bởi thiếu đi lợi thế thương lượng. Rất ít nông dân kết nối được với các nhà cung cấp vật tư, công ty chế biến… có thể cung cấp giống chất lượng, và hỗ trợ kỹ thuật về canh tác, thu hoạch, bảo quản và buôn bán. Một nghiên cứu của CARE thực hiện tại Đắk Lắk và Đắk Nông trong năm 2018 chỉ ra rằng hầu hết phụ nữ và các nông dân sản xuất quy mô nhỏ không có thói quen buôn bán tập thể.

Bên cạnh đó, phụ nữ thường bán nông sản gần nơi sinh sống vì họ còn phải gánh vác việc nhà. Tây Nguyên cũng là địa bàn mà Cargill thực hiện các hoạt động cộng đồng nhằm hỗ trợ người dân địa phương. Trong khuôn khổ chương trình cải thiện cuộc sống thông qua giáo dục, quỹ Cargill Cares đã xây dựng 12 trường học tại khu vực. Dựa trên cơ sở các kết quả của chương trình này, CARE sẽ giải quyết những khó khăn mà nông dân sản xuất quy mô nhỏ tại tỉnh Đắk Lắk gặp phải trong quy mô gia đình và cộng đồng.

Mục tiêu dự án Vươn Mình

Vươn Mình hướng tới thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững trong nhóm nông dân sản xuất quy mô nhỏ, đặc biệt là phụ nữ và người dân tại các cộng đồng thiểu số trong khu vực. Dự án có ba mục tiêu chính nhằm thúc đẩy sự thay đổi trong hai khía cạnh: Khả năng tiếp cận các thị trường toàn diện, và Khả năng tiếp cận các nguồn lực sản xuất cũng như lập kế hoạch và ra quyết định của phụ nữ.

Vươn mình - kết quả đầu ra 1 Vươn mình - kết quả đầu ra 2 Vươn mình - kết quả đầu ra 3

Hoạt động của dự án Vươn Mình

  • Hỗ trợ thành lập các nhóm sinh kế, sản xuất cũng như các nhóm tiết kiệm và vay vốn thôn bản.
  • Tập huấn kỹ thuật, kiến thức về tài chính, quản lý kinh tế hộ gia đình và kỹ năng số cho các đối tượng tham gia dự án.
  • Hỗ trợ các hộ kinh doanh nhỏ hoặc khởi nghiệp trong lĩnh vực cung cấp đầu vào nông nghiệp hoặc các đại lý nông sản để phát triển kinh doanh.
  • Kết nối người tham gia với các quỹ hỗ trợ, dịch vụ tài chính, các sàn thương mại điện tử, và các cơ hội và các mắt xích trong chuỗi kinh doanh.
  • Tổ chức các sự kiện cộng đồng về các định kiến xã hội xoay quanh chia sẻ công việc, bạo lực trên cơ sở giới, kiểm soát thu nhập và ra quyết định.

Đối tượng tham gia dự án Vươn Mình

4.000
người trực tiếp 
(1.000 hộ dân, 1.000 phụ nữ)
11.000
người gián tiếp 
(6.500 phụ nữ)

Địa điểm

Thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk

Thời gian

9/2022 – 8/2025

Nhà tài trợ

Cargill