Câu chuyện này được chắp bút bởi tác giả Maggie Sieger trong mục Nội dung trao đổi của Mastercard nhằm giới thiệu mối quan hệ hợp tác giữa CARE và Mastercard vì mục tiêu tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các nữ doanh nhân tại Việt Nam.

Hỗ trợ trực tiếp và xây dựng năng lực có thể giúp các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ sống sót trong thời đại dịch, song các công cụ tài chính thiết kế chuyên biệt sẽ giúp họ phát triển lớn mạnh hơn.

Sau 20 năm làm việc tại một công ty du lịch quốc doanh, năm 2017, chị Nguyễn Hương Mai quyết định thành lập doanh nghiệp riêng tại Hà Nội. Chỉ trong vòng một năm, công ty vận tải – lữ hành của chị – Công ty Cổ phần Du lịch và Truyền thông Sài Gòn Today, đã đạt doanh thu gần 30 tỉ đồng. Chị đã mở thêm hai nhà hàng tại Hà Nội và đầu tư vào một khách sạn nhỏ. Doanh thu từ đó tăng lên hơn 120 tỉ vào năm 2019.

Thế rồi, vào ngày 23/1/2020, tin tức về một chủng vi-rút lạ xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc đã khiến du khách Trung Quốc hủy tour hàng loạt. 5 tour và 300 phòng khách sạn bị hủy chỉ trong một ngày, ngay sau đó Chính phủ ban hành lệnh cấm các loại hình du lịch và bắt buộc toàn bộ các cơ sở kinh doanh không cần thiết phải đóng cửa. Sáu tháng đầu năm 2020, doanh thu của công ty của chị Mai chưa bằng 10% doanh thu của năm 2019.

Chị Mai hi vọng nhu cầu được dịch chuyển của khách nội địa sau khi các hạn chế đi lại và giãn cách xã hội được nới lỏng sẽ giúp công ty của mình phục hồi trong mùa hè này. Tuy nhiên, làn sóng thứ hai của đại dịch ập đến vào cuối tháng 7 vừa qua khiến cho tình hình kinh doanh của chị ngày càng bấp bênh. “Tôi hoàn toàn bị đánh gục vì công ty đã không có doanh thu trong nhiều tháng” – chị Mai chia sẻ. “Tôi căng thẳng và thậm chí là trầm cảm”.

Theo báo cáo của Trung tâm Xúc tiến Sáng kiến Xã hội, gần 80% doanh nghiệp Việt Nam cho rằng đại dịch này là mối đe dọa nghiêm trọng hoặc khủng khiếp đối với sự tồn tại của họ. Là một trong top 20 quốc gia toàn cầu tốt nhất cho nữ doanh nhân – xếp hạng cao hơn nhiều quốc gia châu Âu – thì việc đóng cửa đã ảnh hưởng đến một số lượng lớn các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam.

Doanh nghiệp vừa, nhỏ, và siêu nhỏ chiếm khoảng 95% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam. “Chính những doanh nghiệp nhỏ và nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất trong xã hội có xu hướng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các sự kiện gần đây.” – bà Winnie Wong, Giám đốc Quốc gia của Mastercard cho biết.

Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, mặc dù số lượng các doanh nghiệp có phụ nữ làm chủ chiếm tới 27% ở Việt Nam, họ vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề về bất bình đẳng giới; nói cách khác họ phải vật lộn để tìm nguồn vốn, đào tạo và các công cụ tài chính cần thiết để phát triển doanh nghiệp của mình. Từ năm 1989, tổ chức nhân đạo quốc tế CARE đã hoạt động tại Việt Nam nhằm góp phần giải quyết những nguyên nhân sâu xa của đói nghèo và bất công. CARE đã tiếp cận gần 70 triệu người ở 100 quốc gia thông qua nỗ lực tại cộng đồng để cải thiện giáo dục cơ bản, tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng và mở rộng cơ hội kinh tế cho tất cả mọi người, đặc biệt là phụ nữ.

Năm nay, nhằm khắc phục hậu quả của COVID-19, Trung tâm Phát triển Toàn diện Mastercard đã phối hợp với Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam cung cấp một khoản cứu trợ nhân đạo khẩn cấp trị giá 150.000 USD cho các nữ chủ doanh nghiệp siêu nhỏ để giúp họ xây dựng các lộ trình phục hồi và đảm bảo tài chính.

Ngoài ra, thông qua sáng kiến THẮP LỬA (IGNITE) do CARE dẫn dắt, Mastercard hướng tới mục tiêu tiếp cận được 50.000 nữ doanh nhân như chị Mai – những người đang làm chủ doanh nghiệp có từ 2 đến 10 nhân viên, mong muốn phát triển kinh doanh và thuê thêm nhân công – nhưng lại thiếu nguồn tài chính thích hợp.

Để duy trì và phát triển tinh thần kinh doanh của phụ nữ, đồng thời giúp họ thành công và ổn định tài chính thông qua các cơ hội mới, CARE hiện đang khảo sát các doanh nhân nữ để hiểu rõ hơn về nhu cầu tài chính của họ. Dựa vào kết quả khảo sát, các đối tác như Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) và Công ty Tài chính Công nghệ Canal Circle có thể tiến hành điều chỉnh các sản phẩm và dịch vụ hiện có, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các nữ chủ doanh nghiệp, ví dụ như đơn giản hóa ứng dụng cho vay, hoặc cung cấp giải pháp kỹ thuật số để thu hút khách hàng.

Bà Evelyn Hà Nguyễn, Giám đốc điều hành của Canal Circle, cho biết: “Các doanh nhân nữ cần biết rằng luôn có một công cụ số giải quyết mọi yêu cầu trong kinh doanh. COVID-19 đã chứng minh rằng việc duy trì thông tin khách hàng trên một công cụ kỹ thuật số như phần mềm CRM có thể giúp doanh nghiệp kết nối với khách hàng từ xa và phục vụ họ tốt hơn.”

Các sản phẩm này, được thiết kế để mở rộng quy mô, chuyển đổi và giúp các doanh nghiệp phát triển thịnh vượng, sẽ cung cấp cho phụ nữ khả năng tiếp cận tốt hơn với vốn lưu động, tiết kiệm và bảo hiểm, đặc biệt khi doanh nghiệp phát triển lớn hơn. Sáng kiến IGNITE cũng cung cấp các hoạt động đào tạo kỹ năng kinh doanh, huấn luyện (coaching) và cố vấn (mentoring) cho các nữ doanh nhân.

Bà Đặng Châu Giang, Trưởng phòng Marketing và Chăm sóc Khách hàng – VPBank, cho biết chính những công ty nhỏ do phụ nữ làm chủ này sẽ dẫn đầu trong công cuộc phục hồi kinh tế khi Việt Nam gỡ bỏ lệnh đóng cửa. Bà chia sẻ: “Các doanh nhân nữ cần tận dụng các sản phẩm cho vay được thiết kế đặc biệt nhằm giúp khởi động lại nền kinh tế”.

Trong nỗ lực chung nhằm đảm bảo các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phát triển mạnh trên toàn thế giới, Trung tâm Phát triển Toàn diện Mastercard đã bắt đầu mối quan hệ hợp tác kéo dài 03 năm từ tháng 10/2019 với CARE Mỹ để đưa 3.9 triệu doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam, Peru và Pakistan tham gia vào nền kinh tế số. Sáng kiến sẽ trang bị cho các doanh nghiệp – ít nhất 50% trong số đó sẽ do phụ nữ làm chủ hoặc điều hành – các công cụ, đào tạo, giáo dục, sản phẩm và dịch vụ cần thiết để hợp thức hóa và phát triển.

“Bằng cách đầu tư vào các nữ doanh nhân, chúng tôi tin rằng mình có thể thúc đẩy một loại hình tăng trưởng bền vững có thể vươn tới tất cả mọi người và mọi nơi trên thế giới”- bà Wong chia sẻ.

*Đọc bản gốc của bài viết tại đây.

Sáng kiến Thắp lửa tập trung vào việc khơi dậy tiềm lực của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam. Các nữ doanh nhân sẽ được hỗ trợ để tăng cường tiếp cận tài chính, công nghệ, thông tin và mạng lưới doanh nghiệp thông qua mô hình hợp tác giữa ngân hàng, tổ chức phi chính phủ và đối tác hỗ trợ tăng tốc khởi nghiệp. Tại Việt Nam, CARE triển khai các hoạt động trong khuôn khổ sáng kiến cùng với 3 đối tác, bao gồm: Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Công ty TNHH Công nghệ Canal Circle Việt NamSáng kiến hỗ trợ Phụ nữ Khởi nghiệp và Kinh doanh (WISE), với sự tài trợ của Trung tâm Phát triển Toàn diện Mastercard.